Bút mài thầy Ánh - Người mài 9 vạn ngòi bút để thắp sáng một ước mơ

Thầy giáo Nguyễn Đương Ánh trước các học trò của mình Bên kia sông Đuống, có một thầy giáo trẻ mỗi ngày mài hàng trăm ngòi bút, bàn tay bao lần tóe máu chỉ để thắp sáng một ước mơ: Chữ đẹp.


Sáng kiến từ kinh nghiệm cũ

Năm 2002, Bộ GD-ĐT có Quyết định 31 ban hành mẫu chữ viết mới trong toàn quốc. Trong bộ mẫu chữ đó, có mẫu viết nâng cao là kiểu chữ có nét thanh, nét đậm. Tuy nhiên, những bút viết như bút bi, bút máy thông thường không viết được kiểu chữ này. Những giờ học, thầy trò cứ loay hoay mà không sao viết được nét thanh nét đậm như ý.

Chợt nhớ đến những mùa hè “đau tay”, thầy giáo trẻ Nguyễn Đương Ánh, Trường tiểu học Phú Lâm 2, Tiên Du, Bắc Ninh vốn có “thâm niên” nhiều năm chuyên viết giấy khen cho Phòng GD-ĐT huyện chợt nảy ý tưởng mài ngòi bút cho học trò viết chính tả.

Những ngày đầu, mài hàng tiếng mới được một ngòi bút. Có khi mài chỉ hơi quá tay là ngòi tòe, phải vứt đi cả đống bút. Hòn đá mài dao của ông bố mòn vẹt cũng là lúc “kỹ năng mài” của Ánh đã trở nên “chuyên nghiệp”, chỉ 15 phút là một “ngòi chuyên dùng” ra đời.

Nhưng thành công đã đến vượt sự mong đợi khi học sinh lớp 5C do anh làm chủ nhiệm có 50% số em xếp loại C đã vươn tới mức A chỉ sau một tháng được trang bị những ngòi bút làm từ bàn tay tóe máu của thầy. Vài tháng sau, một em học sinh của anh đạt giải Nhất kỳ thi viết chữ đẹp của tỉnh. “Phát kiến” của Ánh được phổ biến trong toàn huyện.

Năm học 2002-2003, nhờ sáng kiến này huyện Tiên Du từ chỗ chưa có tên tuổi trong phong trào viết chữ đẹp đã “bứt phá” giành ngôi vị quán quân với kết quả: 10 học sinh đi thi thì “ẵm” 5 giải nhất, 3 giải nhì, 2 giải ba; ba giáo viên đi thi thì có đủ cả ba loại giải. Cô giáo Trương Minh Phượng, Trường tiểu học Hạp Lĩnh, “thủ” cây bút mài đi thi viết chữ đẹp toàn quốc năm 2003 đã “rinh” giải Nhất.

Nỗi niềm “nhà kinh doanh ngòi bút”

Chỉ là một sáng kiến nhỏ nhưng nó đã “đẩy” Ánh vào cảnh huống trở thành “nhà kinh doanh ngòi bút” bất đắc dĩ. Tiếng lành bút mài thầy Ánh ngày càng đồn xa – trong huyện, trong tỉnh, rồi toàn quốc. Điện thoại réo, thư hợp đồng đặt mua tới tấp gửi về. Ánh mài tưởng như muốn gãy tay.

Làm sao có thể từ chối những em học sinh khát khao viết chữ đẹp. Bao đêm bóp trán, anh bật ra một sáng kiến mới: Dùng mô-tơ mài thay cho hòn đá mài. Nhờ vậy, tốc độ mài tăng lên đột biến.

Mỗi ngày Ánh có thể mài 50 –70 ngòi bút. Giá mỗi cây bút Trung Quốc mua về 11.000 đồng, sau khi mài bán 12-13.000 đồng, chỉ thu được 1.000-2.000 đồng tiền công mài ngòi. Ánh rủ thêm đồng nghiệp của mình là Nguyễn Đức Đồng, giáo viên Trường tiểu học Hoàn Sơn cùng mài bút.

Ánh cho biết, tính đến nay, hai anh và người thân đã mài tới 90 vạn ngòi bút cung cấp cho học trò hơn 60 tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều người bảo: Mài ngòi bút bán chạy như tôm tươi, sao không tăng giá đi. Nhưng Ánh lắc đầu, các em học trò tiểu học ở nông thôn nghèo lắm...

Năm 2004, một chủ doanh nghiệp cơ khí tư nhân Ph. ở TP.HCM đã liên hệ với Ánh xin “đỡ đầu” cho sản phẩm ngòi bút mài của anh, đề nghị “chuyển giao công nghệ” để sản xuất hàng loạt. Ánh đã viết trình bày rõ “công nghệ”, các bước mài ngòi rồi fax cho ông. Nghe nói ông này đã cho mài hàng loạt ngòi bút bán, rồi “mất tăm”, không hề liên hệ lại.

Vậy mà Ánh cũng chẳng hề tiếc “bản quyền”. Lời tâm sự mộc mạc của chàng giảng viên trẻ này hoàn toàn khác với phỏng đoán của chúng tôi. Anh bảo: "Một nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã từng khen ngợi chữ Việt, rằng chữ viết cũng là một động lực phát triển của đất nước. Rèn chữ đẹp cho học trò đang thành chuyện cả nước quan tâm".

Anh tâm sự: "Thế nhưng hàng triệu học trò từ Nam chí Bắc mà vẫn chưa hề có một nhà máy nào sản xuất bút viết chính tả một cách công nghiệp thì thật đáng buồn. Tôi đâu muốn làm người kinh doanh ngòi bút. Nhiều người bảo tôi 32 tuổi rồi, mải mài ngòi bút quên lấy vợ sao...".

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 comments:

Post a Comment